Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Truyền thuyết Vua Hùng – khai sinh nước Văn Lang

Đế Minh là cháu đời thứ ba của họ Viêm đế Thần Nông. Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Sau đó, nhân chuyến đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh, Đế Minh lấy con gái của bà Vụ Tiên rồi trở về sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục có dung mạo đoan chính, lại thông minh phúc hậu. Vì thế mà Đế Minh muốn cho Lộc Tục nối ngôi mình nhưng Lộc Tục lại cứ chối từ, xin cha nhường lại ngôi cho anh mình là Đế Nghi. Đế Minh thấy vậy nên đã cho Đế Nghi nối ngôi trị dân ở phương Bắc. Lại phong cho Lộc Tục là Kinh Dương Vương để ông trị vì đất Nam. Đất Nam từ đó lấy tên là Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thuỷ phủ. Ông lấy con gái của Long Vương ở hồ Động Đình (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân.

Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân rồi không biết đi đâu mất. Lạc Long Quân lên trị nước. Ông dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn ti, các đạo cha con, vợ chồng. Đôi khi ông cũng trở về Thuỷ phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu mà lại được như thế.

Khi ông đi chu du đâu đó không ở trong nước mà hễ có việc gì lại lớn tiếng gọi Lạc Long Quân rằng “Bố ơi! Sao lại không cứu chúng con” thì Lạc Long Quân lại tới ngay. Sự linh hiển cảm ứng của ông người đời không ai lường nổi.

Lại nói Đế Nghi ở đất Bắc nay đã truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi thiên hạ vô sự thì bèn sai quân thần là bọn Xuy Vưu thay mình trông coi quốc sự rồi đi tuần xuống nước Xích Quỷ ở phía Nam của Lạc Long Quân.

Khi ấy, Lạc Long Quân đang về thăm Thuỷ phủ, trong nước không có chúa. Đế Lai bèn để ái nữ của mình là Âu Cơ và các thị tì hầu hạ nàng lại đất Nam rồi đi chu du thiên hạ, ngắm các nơi danh lam thắng cảnh. Đế Lai thấy các nào là hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, nào là ngọc ngà vàng bạc,… các thứ đá quý, các cây trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì. Khí hậu nơi đây bốn mùa không lạnh cũng không nóng vì vậy mà ông rất thích, vui quên cả trở về.

Dân phương Nam chịu khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên ổn sống như xưa mới cùng nhau gọi Lạc Long Quân rằng “Bố ơi, bố ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân.” Long Quân nghe thấy con dân gọi liền quay trở về. Thấy Âu Cơ có dung mạo vô cùng đẹp đẽ, trong lòng vui mừng nên bèn hoá thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc vừa đi vừa ca hát đánh trống. Cung điện tự nhiên dựng lên. Âu Cơ vui lòng theo Long Quân. Long Quân giấu nàng ở đài nham.

Đế Lai trở về không thấy con gái đâu, bèn sai quần thần đi khắp thiên hạ tìm kiếm. Long Quân có phép thần thông biến hoá muôn hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi,… làm cho bọn đi tìm đều sợ hãi không dám sục sạo. Đế Lai bèn phải quay về đất Bắc.

Đất Bắc truyền ngôi tới đời Du Võng thì Xuy Vưu làm loạn. Vì vậy mà vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên (tức Hoàng Đế) đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xuy Vưu mình thú mà lại biết nói tiếng người, có sức khoẻ dũng mãnh vô cùng. 

Lúc bấy giờ có người dạy cho Hoàng Đế dùng trống da thú làm lệnh, Xuy Vưu nghe tiếng trống thì sợ hãi chạy về đất Trác Lộc (nay là huyện Trác Lộc, Trực Lệ – Trung Quốc; có nơi cho là huyện Tuyên Hoá). Đế Du Võng xâm lăng các nước chư hầu, cùng với Hoàng Đế giao binh ở Phản Tuyền (nay ở phía Đông huyện Bảo An, Trực Lệ – Trung Quốc) đánh ba trận đều thua, bị giáng phong ở đất Lạc Ấp rồi chết ở đó. Dòng họ Thần Nông tới đây thì kết thúc. 

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra một bọc. Qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một người con trai. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị. Người nào cũng trí dũng song toàn, được người người kính trọng. Cho đó là chuyện phi thường.

Long Quân lúc này cứ ở mãi dưới Thuỷ quốc, còn Âu Cơ đang ở đất Nam muốn quay về đất Bắc. Hoàng Đế nghe tin mẹ con Âu Cơ về tới biên giới phương Bắc thì rất sợ hãi nên cho binh ra giữ của ải. Mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay lại về đất Nam mà gọi Lạc Long Quân rằng “Bố ơi, bố ở nơi nào để mẹ con con cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này.” Lạc Long Quân nghe gọi thì quay trở về. Long Quân và Âu Cơ gặp nhau ở đất Tương (nay ở phía tây nam huyện Hình Đài, Trực Lệ – Trung Quốc). Âu Cơ nói “Thiếp vốn là người phương Bắc, ở với vua sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ chỉ biết thương mình.” Long Quân nghe vậy bèn nói rằng “Ta là nòi rồng đứng đầu Thuỷ tộc, nàng là giống tiên sống trên đất. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng thuỷ hoả tương khắc. Dòng giống bất đồng khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Nay ta đem năm mươi con về Thuỷ phủ chia trị các xứ. Năm mươi con theo nàng về trên đất, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể, hữu sự thì báo cho nhau biết, đừng quên.” Trăm con vâng theo, rồi từ biệt mà đi.

Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là miền Phú Thọ và Vĩnh Yên) cùng tôn người con cả lên làm vua, lấy tên hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Đông giáp với Bắc Hải, tây tới Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn [nước Chiêm Thành] (nay là tỉnh Bình Định). Chia đất nước làm 15 bộ (còn gọi là quận) là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận. Chia các em ra cai trị, lại đặt các em làm tướng văn tướng võ. Văn là lạc hầu, võ là lạc tướng, con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mị nương, trăm quan gọi là bồ chính, thần bộc, nữ lệ gọi là xảo xứng (hay còn gọi là nô tì), bề tôi gọi là hồn. Đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo.

vua-hung-vovecadao
Tượng Vua Hùng

Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi. Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt. Các vị vua của nước Văn Lang đều có tên gọi chung là vua Hùng. 

Lịch sử Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn có tên khác là Lễ hội Đền Hùng hay Quốc giỗ, là ngày hội truyền thống của Người Việt nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10/3 âm lịch tại Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Theo lịch sử ghi chép từ thời hậu Lê, từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền. Nhân dân toàn quốc đều đến đây lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. 

Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ vào ngày 10/3 Âm lịch. Đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ gửi công văn ghi ngày 25/7 phái quan hàng tỉnh của  Phú Thọ lấy ngày mồng 10/3 Âm lịch để cử hành “quốc tế” hàng năm, các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.

Ngày giỗ Tổ 10/3 từ đó được áp dụng cho toàn quốc. Từ năm 2001, giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ, được đưa vào ngày nghỉ theo Bộ luật Lao động.

Từ năm 2007, ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở các cấp trung ương. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Ý nghĩa của ngày Quốc Giỗ với người dân Việt Nam

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để người dân Việt Nam nhớ đến lịch sử dựng nước cũng như niềm kiêu hãnh con rồng cháu tiên, dòng dõi Lạc Hồng của chúng ta. Bên cạnh việc ôn lại nguồn gốc giống nòi, đề cao niềm tự hào dân tộc thì ngày giỗ mùng mười tháng ba còn để nhắc nhở mỗi người Việt Nam phải biết đoàn kết, giữ gìn quê hương, đất nước, yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào. Đồng thời đây cũng là ngày để tất cả đồng bào Việt Nam cùng nhau ôn lại sử sách, nhớ về nguồn cội nước mình. 

Niềm tự hào dân tộc đó giúp cho mỗi người chúng ta không ngừng học tập vươn lên, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước để xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước. Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để mỗi người dân Việt Nam cùng nhìn lại những biến cố mà đất nước đã trải qua. Dù trải bao thăng trầm trong lịch sử, thì người Việt Nam mình vẫn mãi yêu thương nhau. Dù cho có chuyện gì xảy ra, người Việt Nam ta vẫn mãi đoàn kết, luôn làm theo lời Bác Hồ trong chuyến đến đền Giếng thuộc khu di tích Đền Hùng cùng với các cán bộ chỉ huy thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) khi hành quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào sáng ngày 19/9/1954:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”


Vỗ về ca dao