Ngưu Lang và Chức Nữ hay còn gọi là Ả Chức Chàng Ngưu, là điển tích nổi tiếng của Trung Quốc. Ở Việt Nam mình, Ngưu Lang và Chức Nữ còn được gọi với cái tên khác là Ông Ngâu Bà Ngâu.
Tích kể rằng:
“Ngày xưa, ở làng Ngưu Gia nằm ở phía tây Nam Dương có một chàng trai thông minh, trung hậu, tên là Ngưu Lang. Vì cha mẹ mất sớm, Ngưu Lang đành phải sống cùng với anh trai và chị dâu. Chị dâu họ Mã, là người rất độc ác. Mã thị thường hành hạ Ngưu Lang. Bắt Ngưu Lang làm việc cật lực.
Một năm vào mùa thu, chị dâu bắt Ngưu Lang phải đi chăn bò. Người chị dâu độc ác chỉ giao cho chàng có chín con bò nhưng lại yêu cầu phải mang về mười con bò thì mới được về nhà. Ngưu Lang không còn cách khác, đành cùng với đàn bò rời khỏi làng.
Ngưu Lang một mình chăn bò trên núi. Ở trên núi ấy cây cỏ tươi tốt um tùm. Ngưu Lang ngồi dưới gốc cây rất buồn rầu lo lắng. Chàng suy nghĩ không biết đến lúc nào mới có được mười con bò để có thể được về nhà. Bỗng một cụ già râu tóc bạc phơ từ đâu hiện ra trước mặt Ngưu Lang. Ông lão hỏi chàng vì cơn cớ gì mà lại buồn rầu như thế. Ngưu Lang thở dài kể đầu đuôi câu chuyện cho ông lão nghe. Nghe xong, ông lão cười hiền từ và nói với Ngưu Lang rằng: “Con đừng buồn nữa. Nghe đây, ở núi Phục Ngưu có một con bò già ốm nặng, con hãy cố chăm sóc và nuôi nấng nó. Đợi khi con bò già khỏi bệnh thì con cứ dẫn nó về nhà.”
Ngưu Lang nghe theo lời ông lão. Chàng trèo đèo vượt núi, trải qua biết bao gian nan nguy hiểm. Cuối cùng cũng tìm thấy con bò già như lời ông lão nói. Ngưu Lang thấy bệnh tình của nó rất nặng. Bèn vội vàng đi cắt cỏ cho bò ăn, lấy nước cho bò uống. Ròng rã suốt 3 ngày liền, bò già được ăn uống no nên dần dần khoẻ lại. Bò già từ từ ngẩng đầu lên nói với Ngưu Lang rằng: “Ta vốn là bò tiên xám. Vì phạm vào luật cấm của thiên đình nên bị đày xuống trần gian. Trong lúc bị đày, vì ngã gãy chân nên ta không tài nào đi được. Muốn chân ta khỏi thì phải dùng giọt sương trên hoa rửa vết thương trong suốt một tháng.” Ngưu Lang nghe vậy thì không ngại vất vả, chăm sóc bò già cẩn thận, tận tình không một phút lơ là. Buổi sáng chàng đi hái hoa về để hứng sương rửa vết thương cho bò già. Buổi tối thì tựa người vào bò già mà ngủ. Không phụ công chăm sóc của chàng, quả nhiên một tháng sau, bò già khỏi bệnh. Ngưu Lang rất vui mừng, dẫn chín con bò của mình và cả bò già về nhà.
Về tới nhà, chị dâu vẫn đối xử thậm tệ với Ngưu Lang. Ả ta nhiều lần muốn làm hại Ngưu Lang nhưng may là lần nào cũng được bò già tìm cách cứu giúp. Cuối cùng chị dâu tức quá hoá giận, đuổi Ngưu Lang ra khỏi nhà. Ngưu Lang không xin gì, chỉ xin được dẫn bò già cùng đi.
Ngày nọ, một nàng tiên có tên là Chức Nữ cùng với các chị em tiên trên trời xuống trần gian dạo chơi rồi tắm mát ở sông. Bò già hay tin bèn tìm cách cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp được nhau. Hai người trò chuyện tâm đầu ý hợp, dần dà nảy sinh tình cảm. Vì yêu Ngưu Lang, Chức Nữ bèn lén xuống trần gian để kết nghĩa phu thê với chàng. Nàng còn mang tằm từ trên thiên đình xuống cho người dân dưới hạ giới và dạy cho họ cách trồng dâu, nuôi tằm, rút tơ, dệt vải. Vải lụa dệt theo cách của nàng vừa mịn màng vừa bóng đẹp.
Ngày ngày, chàng cày cấy ruộng đồng, nàng nuôi tằm dệt vải. Tình cảm vợ chồng ngày thêm sâu đậm. Hai người sinh được một con trai và một con gái, cuộc sống gia đình vô cùng thuận hoà, hạnh phúc. Nhưng cuộc sống hạnh phúc ấy không kéo dài được lâu. Chuyện nàng lẻn xuống trần kết hôn với người ở hạ giới bị Ngọc Hoàng biết được. Vương Mẫu Nương Nương đích thân xuống trần gian buộc nàng phải lập tức quay về thiên đình để tiếp tục dệt mây ngũ sắc – công việc trước đây của nàng. Đôi uyên ương trẻ chưa hạnh phúc được bao lâu nay lại phải chịu cảnh chia cắt, hai đứa trẻ còn thơ dại phải chịu cảnh xa lìa mẹ.
Ngưu Lang là người phàm không thể lên thiên đình được. Nhớ vợ, chàng ngày càng hao gầy, không ăn không ngủ. Bò già thấy thế thì thương quá nên bảo Ngưu Lang rằng: “Sau khi ta chết đi, người hay lấy da của ta mà làm giày. Vậy thì có thể lên được thiên đình.” Ngưu Lang nghe vậy trong lòng vui buồn lẫn lộn. Vui vì có thể gặp lại người vợ thân yêu. Buồn vì phải từ giã người bạn thân tình. Sau khi bò già chết đi, chàng y theo theo lời bò già, lấy da làm giày rồi mang theo hai đứa con, cưỡi mây lướt gió lên thiên đình đi tìm Chức Nữ. Khi Ngưu Lang sắp đuổi kịp Chức Nữ, Vương Mẫu Nương Nương lấy trâm vàng cài trên tóc vạch một đường chắn ngang, không cho Ngưu Lang tiến tới.
Đường vạch bằng trâm vàng của Vương Mẫu Nương Nương biến thành dòng sông Thiên Hà, sóng nổi cuồn cuộn. Ngưu Lang cùng với hai đứa con thơ bị dòng sông ngăn cách không thể đến gần Chức Nữ. Bất lực, họ chỉ có thể đứng nhìn nhau mà rơi nước mắt.
Tình yêu của họ đã làm chim khách cảm động. Hàng nghìn hàng vạn con chim khách bay đến và bắc cầu Thước Kiều, để cho Ngưu Lang và Chức Nữ có thể bước lên cầu và gặp nhau. Vương Mẫu Nương Nương thấy vậy thì cũng động lòng, nên cho phép hai người gặp nhau tại Thước Kiều vào mồng 7 tháng 7 hàng năm.
Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi bên này bờ sông, buồn bã dệt sợi mây. Còn Ngưu Lang thì ở bên kia sông, một mình gà trống nuôi con, làm tròn bổn phận của người cha và không khi nào nguôi nổi nhớ nhung vợ. Hai người chỉ mong sao đến mồng 7 tháng 7 để có thể gặp mặt người thương. Dù chỉ gặp nhau trong một thoáng thôi, nhưng cũng thoả lòng thương nhớ.”
迢々牽牛星
皎々河漢女
繊々擢素手
扎々弄機杼
終日不成章
泣涕零如雨
河漢清且浅
相去復幾許
盈々一水間
脈々不得語
***
Điều điều Khiên Ngưu tinh
Kiểu kiểu Hà Hán nữ
Tiêm tiêm trạc tổ thủ
Trát trát lộng ky trữ
hung nhật bất thành chương
Khấp thế linh như vũ
Hà Hán thanh thả thiển
Tương khứ phục ki hứa?
Doanh doanh nhất thủy gian
Mạch mạch bất đắc ngữ.
***
Xa xa kìa sao Ngưu
Sáng sáng Ngân Hà nữ
Nhỏ nhỏ tay trắng ngần
Rì rào khung cửi gỗ
Trọn ngày không thành lời
Khóc nghẹn lệ như mưa
Ngân Hà xanh lại nông
Ngăn trở xa thế hử?
Nhởn nhơ một dòng nước
Cách biệt không ra lời.
Ngưu Lang – Chức Nữ, Cổ thi – Vô danh
Trong kho tàng ca dao Việt Nam có khá nhiều bài nhắc đến tích này. Những cô gái, chàng trai yêu xa, những đôi nhân ngãi đợi chờ nhau mòn mỏi, những cặp vợ chồng xa nhau, chồng đi chiến chinh vợ ở nhà vò võ ngóng đợi chồng,… tất cả những tâm tư tình cảm này đều được gởi gắm qua bài ca dao và thường mượn tích của ả Chức, chàng Ngưu để bày tỏ nỗi niềm.
Dưới đây là một số bài ca dao mà Vỗ về ca dao sưu tầm và tổng hợp, mời các bạn cùng xem cách mà người Việt mình thời xưa nói lời nhớ nhung nhau:
“Ai làm Ngưu Chức đôi đàng,
Để cho quân tử đa mang nặng tình.”
***
“Cái duyên chức Nữ Ngưu Lang,
Cầu Ô đã bắc lại toan đứt cầu.”
***
“Vì ai cho quạt long nhài,
Cầu Ô long nhịp, cửa gài long then.”
***
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Gặp nàng anh muốn kết duyên Châu Trần.
Nên chăng Tấn hỏi thực Tần,
Kẻ lòng nghi thị trăm phần chưa xong.
Đôi ta tạc lấy chữ đồng,
Ngày nào Ô Thước bắt xong nhịp cầu,
Để mà kết nghĩa Trần Châu,
Để mà ăn ở bền lâu một nhà.”
***
“Xa xôi dặm liễu đường hoè,
Thuyền tình trở lái chèo về sông Ngân.”
***
“Cầu Ô Thước trăm năm chữ hẹn,
Sông Ngân Hà giữ trọn đừng phai.
Sợ em ham chốn tiền tài,
Dứt tình nhân ngãi lâu dài bỏ anh.”
***
“Ai làm Ngưu Chức đôi đàng,
Để cho quân tử đa mang nặng tình.”
***
“Anh nay hào nhã phong hoa,
Anh đi khắp cả nay đà tới đây.
Ước gì rồng gặp được mây,
Ước gì loan phụng đậu cây ngô đồng.
Ước gì chung gối loan phòng,
Ước gì ta đến non phòng sánh tên.
Cùng nhau phỉ một lời nguyền,
Anh hùng nhi nữ kết duyên Châu Trần.
Ước gì lấp được sông Ngân,
Để cho Ả Chức đến gần chàng Ngưu.
Ước gì ta lấy được nhau,
Để ta trò chuyện mấy câu đỡ buồn.
Ước gì gần cạnh nhau luôn,
Để ta than thở sự duyên với nàng.
Ước gì lắm bạc nhiều vàng,
Để ta sắm sửa tư trang cho mình.
Anh nay thử hỏi thực tình,
Rằng em có quyết chung tình hay không?
Có thì em cũng nhỏ cùng,
Không thì em quyết một lòng thì thôi.”
***
“Căn duyên Chức Nữ Ngưu Lang,
Cầu Ô đã bắt lại toan đứt cầu.”
***
“Con chim kêu thương, con gà gợi nhớ,
Chồng xa vợ, ai nỡ không sầu,
Cũng như Chức Nữ, đoạn cầu Ngưu Lang.”
***
“Đã đi đến bến sông Ngân,
Đục trong chịu vậy, còn ngần ngại chi.”
***
“Đêm đêm tưởng dạng Ngân hà,
Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy, lòng còn trơ trơ.”
***
“Đêm đêm lác đác sao thưa,
Sâm Thương ngán nỗi còn chưa chữ tòng.
Từ ngày Thước bắc cầu Ngân,
Chức – Ngưu còn dịp tới gần, lo chi.”
***
“Hồi nào ai biết ai đâu,
Bởi con chim Ô Thước bắc cầu sông Ngân.”
***
“Một năm gặp bạn một lần,
Cũng bằng ả Chức sông Ngân ngăn dòng.”
***
“Mảng sầu đông giọt ngắn giọt dài,
Không biết cùng ai tỏ bày tâm sự,
Nhìn cảnh lạ đau lòng Chức Nữ,
Đêm xem trăng già chạnh nhớ người thương.”
***
“Nam kim bên Hạ không xa,
Cầu ô thử bắc đôi ta sang cùng.”
***
“Quay thuyền về dải sông Ngân,
Chàng xa xôi gót, thiếp trân trọng lời.”
***
“Sông Ngân muốn bắc cầu Ô,
Trước xem ý tứ, sau do họ hàng.”
***
“Sông Ngân có chiếc thuyền rồng,
Chàng ơi thiếp đã có công đợi chờ.”
***
“Thấp tay với chẳng tới kèo,
Thân phận anh nghèo hèn phải cậy người mai chước.
Sông Ngân nguyện bắc cầu Ô Thước,
Duyên nợ này không trước thì sau.”
Xem thêm: