Tôi là Chuối Xiêm. Tôi được trồng ở sau hè. Ngày ngày tôi đứng yên ở sau hè đùa vui cùng với gió với mây. Ban ngày tôi chơi với mấy chú chim. Buổi tối tôi đắm mình trong ánh sáng lập loè của đom đóm. Có thể nói tôi lớn lên nhờ tiếng ru hò của chị hai. Ầu ơ… gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé ơ ầu…

Cuộc sống của tôi có tẻ nhạt không? Có chứ. Ngoài việc lắc lư thân mình theo điệu hát nhạt nhẽo của gió thì tôi cũng chỉ biết gật gù cành lá theo tiếng ngân của mấy cụ dế và đàn ve sầu.

Duy có một thứ khiến cuộc đời tôi trở nên thú vị là tiếng ru hò của chị Hai. Tôi vẫn còn nhớ đã lâu rất lâu rồi, chắc là lúc tôi bắt đầu biết để ý đến thế sự, bắt đầu biết nghe biết nhìn cuộc sống này thì thứ đầu tiên thu hút tôi là tiếng ru. Tuổi thơ của tôi chan hoà những lời ru và tôi lớn lên với câu hò và tiếng ca của chị. Tôi uống sương kèm giọng hát ngọt ngào và giấc ngủ tôi cũng đong đầy lời ru êm ái của chị. Và đến bây giờ vẫn vậy. Mặc dù đã con đàn cháu đống, mặc dù tôi đã bạc đi vì nắng mưa, sương gió, vì tuổi tác đã cao thì mỗi khi nghe chị Hai cất tiếng hát, lòng tôi vẫn bổi hổi bồi hồi y như thuở còn bé con.

Chị ru hay hơn mấy ông dế nhiều. Tiếng ru của chị buồn không thua tiếng của mấy cậu chàng ve sầu nhưng ngọt ngào, êm tai hơn chúng. Tôi cam đoan thế. Vì tôi thấy tiếng của mấy cậu thanh niên ve kia ngoài buồn não nuột ra thì còn hơi chua the thé.

Giọng hát của chị Hai ngọt hơn. Ngặt nỗi chị hát ít quá. Chị chỉ hát vào lúc đầu giờ trưa với đầu hôm để ru con chị ngủ:

Ầu ơ… Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ

Con thơ tay ẵm tay bồng

Tay nào xách nước tay nào bồng em

Bồng em đi dạo vườn cà

Cà non chấm mắm, cà già mần dưa

Mần dưa ba bữa mới chua

Chị hai xách chén lại mua ba đồng

Ba đồng mắc quá chị ơi

Cho xin miếng nữa, ăn rồi bữa cơm

Chuối tôi thì không cần cưới vợ gả chồng. Dòng họ nhà tôi sinh sản theo kiểu tự nhảy con bên cạnh cây mẹ bằng chính bộ rễ của mình. Đợi khi cây con đủ lớn thì người ta mang con của chúng tôi đem trồng chỗ khác. Hoặc cũng có thể cứ để con cái cháu chắt chúng tôi lớn lên ở bên cạnh tôi như thế.

Cũng có lẽ vì vậy mà tôi không hiểu được nỗi buồn của chị Hai. À không, nỗi buồn của câu ru hò đó. Tôi không biết con bé con chị nó có hiểu được nỗi niềm u uất, buồn bã trong lời ru của mẹ nó hay không, mà mỗi lần mẹ nó chưa kịp hát hết câu thì nó đã ngủ tự bao giờ. Tôi đoán là con bé đã ngủ trước khi chị kịp hát xong vì mấy câu cuối chị nhỏ tiếng dần chứ không còn cất cao giọng như khi chị vừa mới hát. Tôi cũng phải mất cả tháng trời mới nghe kịp bốn câu cuối “Mần dưa ba bữa mới chua. Chị hai xách chén lại mua ba đồng. Ba đồng mắc quá chị ơi. Cho xin miếng nữa, ăn rồi bữa cơm”.

Lời ru đó làm tôi buồn ghê gớm. Mỗi lúc chị Hai hát ru con bé, tôi cứ bất giác đập mạnh tàu lá. Tàu lá te tua tơi tả tan tành rách nát. Chị tan nát cõi lòng thì tôi cũng nát tan tấm lá.

Xưa nay loài chuối chúng tôi không ru con ngủ bằng lời ru giống như loài người. Loài chuối chúng tôi nói chuyện bằng cách đập những tàu lá lại với nhau và ru con ngủ bằng cách nhỏ những giọt sương đêm mát lành lên người bọn trẻ. Buổi trưa không có sương, chúng tôi đành nhờ tiếng gà gáy trưa, tiếng nước sông chảy róc rách hoặc cũng có khi nhờ nắng chiếu những tia nắng có hơi rát da thịt một chút nhưng cũng coi như ru ngủ được. Hoặc dựa vào lời ru buồn thê lương của các bà, các mẹ, các chị, như lời ru não nuột của chị Hai đây.

Tôi không tưởng tượng được rằng, nếu lời ru mà không buồn thì con nít có dễ ngủ không? Hay phải buồn thì mới được gọi là lời ru? Tôi không rõ nữa. Bởi đơn giản tôi không phải con người. Con người luôn phức tạp và khó đoán. Chuối thì không như thế. Chuối đơn giản. Chúng tôi kết hoa và gọi đó là hoa chuối hoặc bắp chuối. Chúng tôi kết quả thành từng buồng gọi là buồng chuối. Một buồng chuối có nhiều nải chuối. Và mỗi nải chuối có nhiều trái chuối. Thân của loài chuối chúng tôi nằm dưới lòng đất gọi là củ chuối. Bẹ lá xếp lại với nhau làm thành thân giả. Lá chuối to bản, người ta gọi là tàu. Đọt lá non nhất thì gọi là đọt chuối. Màu xanh của lá chuối đặc trưng lắm nên người ta dùng tên của lá chúng tôi để gọi tên một loại màu – màu xanh chuối. 

Chúng tôi đơn giản. Nào có biết vợ bé là gì. Chúng tôi chỉ biết dốc hết sinh lực để nuôi con. Nào có biết bỏ bè con thơ là gì. 

Dòng họ nhà chúng tôi cũng có một truyền thống quý báu mà bao đời nay vẫn luôn gìn giữ, đó là “đền ơn đáp nghĩa”. Vì vậy mà chúng tôi luôn cố gắng hữu dụng nhất có thể. Từ gốc đến ngọn, từ đọt đến rễ có chỗ nào mà cây chuối chúng tôi không dùng được?

Lá chuối tươi để gói bánh, lá chuối khô để nhồi vào gối, làm đệm lót trái cây, lót ổ gà, ổ vịt. Bánh tét, bánh ít, bánh bột lọc, giò chả, có món bánh nào không dùng tới lá chuối? Cây chuối non thì làm gỏi ghém. Cây chuối già thì thái cho vịt cho heo ăn. Củ chuối luộc lên thì bùi béo vô kể. Bắp chuối làm gỏi, ăn lẩu, nấu bún thì không thể nào mà thiếu cho được. Trái chuối xanh thì làm chuối xanh ngào đường, cá kho chuối xanh, ốc om chuối đậu, trái chuối chín thì ăn ngay cũng ngon, nấu chè, nấu kiểm, làm chuối hấp, chuối chưng đủ thứ món cả. Từ rễ đến lá, từ trên xuống dưới, có bộ phận nào của cây chuối mà vô dụng không?

Chúng tôi đơn giản và dễ hiểu vậy đấy nên khó mà hiểu hết được câu hát ru của chị Hai. Nhưng mà tôi cũng có một ước mơ. Một ước mơ chân thành nhưng tôi nghĩ sẽ mãi chẳng bao giờ thực hiện được: Tôi muốn sửa lại lời ru đó.

Tại sao lời ru không phải là:

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh lo làm lụng, nuôi bè con thơ

Ơ ầu ơ…

Nếu như có thể, tôi muốn gửi lời ru mà tôi đã sửa cho cả thế giới loài người, để họ biết đến một lời ru không buồn. Tôi đã cố gửi câu hát ru đó cho gió. Nhưng giọng của gió nhẹ quá người lại không nghe thấy. Gió cố hát cho mạnh hơn thì lại thành mưa bão. Vậy cũng không nên.

Tôi nhờ nắng. Nắng thì lại không hát được. Nắng cố gắng hát thật to thì đất nứt nẻ. Trời hạn hán. Vậy thì càng không được nốt.

Tôi lại nhờ dế, nhờ chim, nhờ ve, nhờ cóc nhưng cũng lại không thể nào gửi bài ca cho người, dù các bạn đã cố hết sức mình. Các bạn tôi vốn sợ người. Có lần cô nàng cóc vừa thập thò lại gần, miệng vừa cất tiếng hát: “Toẹt toẹt! Giọ…giọ đựa…” thì chị Hai đã dậm chân làm cô nàng cong đít ba chân bốn cẳng chạy thụt mạng.

Vậy là ai cũng không dám giúp tôi. Thật ra thì ai cũng không đủ khả năng để giúp tôi.

Còn tự bản thân tôi thì sao? Không phải tôi không muốn tự mình hát bài hát của mình, mà tôi đã hát đến rách bươm cả tấm thân này cũng chẳng ai nghe. Mà có nghe đi chăng nữa cũng chỉ là tiếng “Tạch tạch, bẹt bẹt bẹt,…” Là tiếng lá tôi rách nát te tua tơi tả. Nhìn tôi giờ có khác gì kiếp trước của anh Thạch Sùng không? Ý tôi là tôi rách bươm, tả tơi.

Ngày tháng dần trôi, chị Hai cũng vẫn cái giọng rầu rầu hát mãi câu ca buồn não nề đó. Còn tôi thì cũng thôi cái ý định gửi lời bài ca ấy đến cho người. Ý tôi là tôi không còn nhất nhất phải cố sửa cho bằng được. Bạn bè tôi và tất nhiên có cả tôi vẫn luôn hát lời ca mà tôi đã sửa đó. 

Ơ ầu ơ…

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh lo làm lụng, nuôi bè con thơ

Biết đâu một ngày nào đó có ai hiểu được tiếng của chúng tôi, nghe ra được câu hát của chúng tôi thì sao. Bây giờ người ta bận rộn quá, vội vã quá. Người lớn thì phải đi kiếm sống, trẻ con thì phải học tối mặt tối mày, không còn ai ra sau hè ngắm mây trời, nghe gió hát, đùa với nắng và thả hồn với cây cỏ chúng tôi nữa. Thế nên lời ca của chúng tôi mới không thể nào đến được với họ. Chúng tôi mà cố thì lại ra đại hạn hay bão giông.

Đôi khi chúng tôi cũng có câu chuyện muốn kể cho người nghe. Những câu chuyện mà đất, đá, cát, gió, nắng, mây, cây cỏ và muông thú, chim chóc nói với nhau nhưng người vẫn chưa nghe được. Nhưng nói nhỏ, nói thì thầm thì người không mảy may để ý, nói lớn nói to thì lại thành thiên tai.

Thôi thì lời ca mà tôi muốn gửi gắm đến chị Hai và loài người đành để chúng tôi giữ tạm thời vậy. Chúng tôi sẽ truyền cho con cháu đời sau của mình. Dòng họ của chúng tôi vẫn sẽ hát. Khi nào con người có thời gian, khi nào con người ngồi lắng lại trò chuyện tâm tình với thiên nhiên thì sẽ nghe được.


Vỗ về ca dao