Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi mẹ hỡi mua tôi củ riềng.

Đây có lẽ là bài ca dao khá quen thuộc với chúng ta. Hễ có gà, là ta liền nghĩ ngay đến lá chanh. Đó chính là bí quyết kết hợp các nguyên liệu để cho ra món ăn chuẩn vị Việt mà ông cha ta đã đúc kết tự bao đời nay. Nếu như luộc gà cần có lá chanh, thì thịt cầy nên có củ riềng, thịt lợn thì phải có bó hành.

Trưa ra sau hè thấy luống rau đắng xanh tươi thì chiều xuống ao bắt con cá trê lên nấu nồi canh. Nồi canh rau đắng cá trê tuy không cao sang, mỹ vị nhưng ai đến lục tỉnh Nam kỳ mà đã từng ăn qua món này rồi thì mê phải biết.

Rau đắng nấu với cá trê,
Ai đến lục tỉnh thì mê không về.

Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh non. Đây là đặc sản của miền Tây sông nước. Lũ đến kéo theo bao phù sa. Cũng mang theo bao nhiêu là món ngon mà không nơi nào có được.

Canh chua điên điển cá linh,
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.

Dưa hường nấu canh ngòn ngọt, bông bí luộc tươi ngọt, mát giòn. Người dân mình không cầu mong gì, chỉ mong có cuộc sống thanh nhàn, dân dã. Chẳng ước xa hoa, chỉ mong gả được con gái về vườn. Được ăn bông bí luộc, được ăn dưa hường nấu canh. Món ngon mà chỉ ở nơi đất phù sa màu mỡ, cây trái sum suê mới có thể ăn trái dưa hường, bông bí vàng ngọt lịm, thơm ngon.

Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.

***

Muốn ăn bông súng mắm kho,
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Đồng Tháp ngoài món đặc sản là thịt chuột đồng ra thì bông súng cũng bạt ngàn. Bởi địa thế nơi đây là vậy, sen súng bao la.
“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm” là vậy.

Rồi còn biết bao nhiêu là món ngon khác nữa, như:

Kèo nèo mà lại làm chua,
Ăn với cá rán chẳng thua món nào.

***

Bồng bồng mà nấu canh tôm,
Ăn vào mát ruột, đêm hôm lại bồng.
Sáng ngày bồ dục chấm chanh,
Trưa gỏi cá chấy, tối canh cá chầy.

Những câu ca dao không chỉ nói lên sự phong phú, đa dạng, thơm ngon của món ăn quê mình mà còn thể hiện mong ước của ông cha ta. Mong ước có một cuộc sống đủ đầy, có cơm ăn áo mặc. Mong ước con trẻ được ăn no. Mong ước vợ chồng được gần nhau. Mong ước những người yêu nhau rồi sẽ lại về với nhau. Cùng nhau quây quần bên những bữa ăn nồng nàn hương vị đất trời Việt Nam.

​​Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

***

Bắt con cá lóc nướng trui,
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.

***

Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.

***

Má ơi, đừng đánh con hoài
Để con kho cá bằm xoài má ăn.

***

Má ơi, đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.

***

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua.

***

Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.
Bậu ra bậu lấy ông câu,
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu.
Kho tiêu kho ớt kho hành,
Kho ba lượng thịt để dành mẹ ăn.

Có lẽ cuộc sống hiện đại ngày nay, với sự giao thoa văn hoá và nhu cầu tiện lợi hơn, chúng ta thường lựa chọn những món dễ nấu, nấu sẵn, món Tây, thức ăn nhanh,… món gì cũng được miễn no bụng là được.

Nhưng mà, những món ăn ngon, những món ăn truyền thống của người Việt Nam ta sẽ không bao giờ mất đi, những thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên tên, quên đi sự hiện diện cũng như nguồn gốc của món ăn và thậm chí là cách chế biến, cách trình bày sao cho hài hoà và ăn vào mùa nào mới là chuẩn chỉnh nhất. Bởi tất cả đều đã được ông cha ta truyền lại qua những bài ca dao. Chừng nào không còn ca dao, chừng nào người Việt không còn đọc văn học dân gian, chừng nào mẹ thôi ru con, bà thôi ầu ơ ví dầu, thì chừng đó những món ăn đó mới thật sự chìm dần vào quên lãng.

Ầu ơ…
Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng thiệt nhiều cá tôm
Ầu ơ…

Xem thêm:

Ca dao về tình mẹ

Ca dao về tình nghĩa anh em


Vỗ về ca dao